Năm 2020 ghi nhận sự tăng trưởng cao nhất trong lịch sử ngành công nghiệp điện gió thế giới. Tuy nhiên, theo Hội đồng Năng lượng Gió Toàn cầu (GWEC), mức tăng trưởng này là chưa đủ. Để đi đúng lộ trình đạt được mục tiêu Không phát thải vào năm 2050, điện gió cần đẩy nhanh tốc độ hơn nữa.
Mức tăng trưởng kỷ lục năm 2020
Trong năm 2020, công suất điện gió toàn cầu tăng thêm 93 GW từ các nhà máy mới lắp đặt, nâng tổng công suất điện gió lên 743 GW. Năm 2020 đồng thời là năm điện gió có mức tăng trưởng kỷ lục, cao nhất trong lịch sử của ngành công nghiệp này, công suất tăng 53% so với cùng kỳ năm 2019.
Sự tăng trưởng vượt bậc của điện gió năm 2020 có sự đóng góp to lớn của Mỹ và Trung Quốc khi đến 75% số lượng nhà máy điện gió mới được lắp đặt trong năm thuộc hai thị trường này. Mỹ và Trung Quốc hiện cung cấp hơn một nửa tổng công suất điện gió toàn cầu.
Năm 2020 cũng tiếp tục đà tăng trưởng nhanh của điện gió ngoài khơi với tổng công suất lắp đặt mới hơn 6 GW, nâng công suất toàn cầu đạt trên 35 GW – tăng 106% trong 5 năm.
Điện gió tăng trưởng vượt bậc trong năm 2020 (Ảnh internet)
Ngoài thị trường châu Âu, khu vực châu Á Thái Bình Dương được dự báo sẽ đóng vai trò ngày càng quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng ngành điện gió với những mục tiêu đầy tham vọng, điển hình là các nền kinh tế lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc…
Công suất lắp đặt mới điện gió cần tăng gấp 2-3 lần hiện tại
Theo Báo cáo Điện gió toàn cầu 2021 của GWEC, thế giới cần đẩy việc lắp đặt thêm các hệ thống nhà máy điện gió lên gấp ba lần trong thập kỷ tới. Cụ thể, để có thể kìm hãm mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở dưới 2°C so với thời kỳ tiền công nghiệp, từ nay đến năm 2025, cần có ít nhất 180 GW điện gió mới được lắp đặt mỗi năm. Trong khi đó, với mức độ hiện tại, nếu muốn đi đúng lộ trình cho mục tiêu Không phát thải vào năm 2050, công suất điện gió lắp đặt mới sẽ cần 280 GW mỗi năm sau năm 2030.
Điện gió cần được phát triển nhanh hơn để đạt các mục tiêu về môi trường
GWEC khuyến nghị, các nhà hoạch định chính sách cần có ngay những hành động khẩn cấp để mở rộng quy mô điện gió với tốc độ cần thiết. Các hành động cụ thể bao gồm: gỡ bỏ các rào cản chính sách, cải cách cơ cấu hành chính, đầu tư mạnh mẽ hơn cho lưới điện cũng như hệ thống hạ tầng thiết yếu, cải cách thị trường năng lượng, tạo điều kiện chuyển đổi nhanh sang hệ thống sử dụng năng lượng tái tạo… Bên cạnh đó, ngành công nghiệp điện gió phải phối hợp với các chính phủ, cộng đồng cũng như các ngành khác như điện mặt trời, lưu trữ năng lượng… để tìm ra giải pháp thúc đẩy tiến trình chuyển đổi hiệu quả nhất.
Tại Việt Nam, theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), EVN đã ký hợp đồng mua bán điện với 113 dự án điện gió với tổng công suất 6.038 MW. Trong đó, mới chỉ có 582 MW của 12 dự án đã vào vận hành thương mại. Dự kiến sẽ có 87 dự án với tổng công suất 4.432 MW đưa vào vận hành thương mại trước ngày 31/10/2021. Đầu năm 2021, Vũ Phong Energy Group đã ký kết với STEAG Energy Services GmbH (SES – CHLB Đức) để trở thành đối tác cùng nhau cung cấp dịch vụ kỹ thuật, vận hành bảo dưỡng và hơn hết là dịch vụ Asset Management cho chủ đầu tư điện gió. SES là nhà cung cấp dịch vụ điện hàng đầu thế giới: cung cấp kỹ thuật cho hơn 100.000 MW, quản lý vận hành hơn 7.300 MW và hỗ trợ quản lý O&M cho hơn 3.700 MW trên toàn cầu. |
Xem thêm:
- Lý giải “sức nóng” đầu tư dự án điện mặt trời mái nhà và mặt đất
- Điện mặt trời: Giải pháp cho áp lực cung – cầu năng lượng
(Tổng hợp)