Với mục tiêu thúc đẩy sử dụng năng lượng tái tạo và giảm thiểu tác động đến môi trường, Ngày 22/10/2024, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định 135/2024/NĐ-CP, quy định về khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất tự tiêu thụ. Đây là bước đi quan trọng trong việc hiện thực hóa chiến lược phát triển năng lượng bền vững.
Nội Dung
Các điểm chính của Nghị định 135/2024/NĐ-CP
1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng:
Nghị định 135/2024/NĐ-CP áp dụng cho các tổ chức, cá nhân tại Việt Nam tham gia phát triển điện mặt trời mái nhà phục vụ mục đích tự sản xuất, tự tiêu thụ. Các hệ thống điện mặt trời mái nhà có thể được nối lưới hoặc không nối lưới với hệ thống điện quốc gia, và có thể được bán điện trực tiếp giữa các đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và khách hàng tiêu thụ lớn, theo quy định của Chính phủ.
2. Nguyên tắc phát triển:
Việc phát triển điện mặt trời mái nhà cần đảm bảo tính công khai, minh bạch và bình đẳng giữa các đối tượng. Nghị định yêu cầu các hệ thống điện mặt trời phải tuân thủ các quy định về đầu tư, xây dựng, môi trường, an toàn và phòng cháy chữa cháy, nhằm đảm bảo an toàn và ổn định cho hệ thống điện quốc gia.
3. Chính sách khuyến khích:
Các tổ chức, cá nhân lắp đặt điện mặt trời mái nhà phục vụ tự sản xuất, tự tiêu thụ sẽ được miễn giấy phép hoạt động điện lực và không bị giới hạn công suất trong một số trường hợp nhất định như: hệ thống không nối lưới, có thiết bị chống phát ngược vào lưới, hoặc các hộ gia đình và nhà ở riêng lẻ có công suất dưới 100 kW.
Hệ thống điện mặt trời mái nhà còn được hưởng các chính sách ưu đãi về thuế và thủ tục hành chính được rút gọn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đầu tư và vận hành.
4. Đăng ký và quản lý vận hành hệ thống:
Các hệ thống điện mặt trời mái nhà nối lưới phải thực hiện đăng ký và thông báo với các cơ quan chức năng. Đối với các hệ thống có công suất từ 1.000 kW trở lên, tổ chức và cá nhân phải đảm bảo trang bị các thiết bị giám sát, điều khiển kỹ thuật theo yêu cầu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) để đảm bảo an toàn và ổn định lưới điện.
5. Quản lý điện dư:
Nghị định quy định các điều kiện và cơ chế mua bán điện dư từ các hệ thống điện mặt trời mái nhà với giới hạn tối đa là 20% công suất lắp đặt. Mức giá mua điện dư sẽ được xác định dựa trên giá điện thị trường trung bình của năm trước đó, nhằm khuyến khích phát triển và đảm bảo phù hợp với nhu cầu từng thời kỳ.
6. Trách nhiệm của các cơ quan địa phương và EVN:
Các cơ quan quản lý địa phương và EVN có trách nhiệm giám sát phát triển điện mặt trời mái nhà tại địa phương, đảm bảo an toàn hệ thống điện và thực hiện thanh toán cho các đơn vị bán điện dư. Đồng thời, EVN cũng có nhiệm vụ hỗ trợ kỹ thuật, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện đúng quy định trong việc lắp đặt và vận hành hệ thống.
Tác Động Đến Thị Trường Năng Lượng
Với nghị định 135/2024/NĐ-CP này, kỳ vọng rằng thị trường năng lượng tái tạo tại Việt Nam sẽ có những chuyển biến tích cực. Việc khuyến khích đầu tư vào điện mặt trời mái nhà không chỉ giúp giảm tải cho lưới điện mà còn tạo ra cơ hội kinh doanh mới cho các doanh nghiệp, đồng thời nâng cao ý thức về bảo vệ môi trường trong cộng đồng.
Vào ngày 25/10/2024, trên báo Tuổi Trẻ đã có một phần ý kiến chia sẻ của ông Phạm Đăng An – Phó tổng giám đốc Vũ Phong Energy Group, về nội dung Nghị định số 135/2024/NĐ-CP về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ: Điểm đáng chú ý của quy định mới là thúc đẩy phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ thông qua việc miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực và không giới hạn công suất lắp đặt khi không đấu nối vào lưới điện quốc gia; lắp đặt thiết bị chống phát ngược vào lưới điện quốc gia. Việc áp dụng các ưu đãi về thuế và đơn giản hóa thủ tục hành chính là những yếu tố giúp doanh nghiệp và hộ gia đình dễ dàng triển khai hệ thống điện mặt trời. Điều này không chỉ giúp tiết kiệm chi phí năng lượng mà còn là một bước tiến chiến lược trong việc chuyển đổi xanh, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 và sử dụng 100% năng lượng tái tạo. Bên cạnh đó, việc khuyến khích phát triển hệ thống lưu trữ điện (BESS) là một yếu tố quan trọng, giúp tối ưu hóa hiệu suất của các hệ thống năng lượng tái tạo, giảm áp lực điều độ hệ thống điện quốc gia.” |
Để tìm hiểu chi tiết về Nghị định 135/2024/NĐ-CP, quý khách hàng và đối tác có thể xem nhanh tài liệu PDF dưới đây:
Vũ Phong Energy Group