Với công suất 875 MW và khả năng lưu trữ 3.287 MWh, cơ sở Edwards & Sanborn Solar and Energy Storage tại sa mạc Mojave, California, Mỹ đã trở thành dự án điện mặt trời và lưu trữ điện bằng pin lớn nhất thế giới.
- Chi phí năng lượng tái tạo giảm, chuyển hướng sang lưu trữ
- Hội thảo trực tuyến về khả năng linh hoạt cho ngành năng lượng Đông Nam Á
Cơ sở Edwards & Sanborn Solar and Energy Storage được xây dựng từ đầu năm 2021, bắt đầu hoạt động từ tháng 02/2023, chính thức hoàn thành và vận hành đầy đủ vào tháng 01/2024. Nhà máy có tổng diện tích 1.886 ha, nằm trên sa mạc Mojave – một trong những nơi nhiều nắng nhất Trái đất.
Tại trang trại điện mặt trời kết hợp lưu trữ này, hơn 1,9 triệu tấm pin năng lượng mặt trời đã được lắp đặt, cùng 120.720 bộ pin lưu trữ. Để kết nối toàn bộ hệ thống, các kỹ sư đã phải lắp đặt 724 km đường dây. Tuy không phải là trang trại điện mặt trời lớn nhất thế giới nhưng Edwards & Sanborn Solar and Energy Storage lại là dự án điện mặt trời và lưu trữ điện bằng pin lớn nhất, vượt qua cơ sở Vistra tại Moss Landing, California (công suất 750 MW, lưu trữ 3.000 MWh). Dự án điện mặt trời có quy mô công suất cao nhất thế giới hiện là công viên năng lượng mặt trời Golmud ở Trung Quốc bao gồm khoảng 80 nhà máy với tổng công suất lắp đặt 2,8 GW.
Điện mặt trời được nhận định là một trụ cột quan trọng thúc đẩy quá trình chuyển dịch năng lượng trên toàn cầu. Theo báo cáo Điện lực 2024: Phân tích và dự báo đến năm 2026 do Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) công bố cuối tháng 01/2024, tỷ lệ năng lượng tái tạo trong sản xuất điện trên toàn thế giới được dự báo sẽ tăng từ mức 30% vào năm 2023 lên 37% vào năm 2026, mức tăng trưởng chủ yếu đến từ điện mặt trời. IEA cũng dự báo năng lượng tái tạo sẽ vượt điện than để trở thành nguồn điện lớn nhất toàn cầu vào năm 2025.
Năng lượng tái tạo được dự đoán sẽ trở thành nguồn điện lớn nhất toàn cầu vào năm 2025 (Ảnh minh họa internet)
Mới đây, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres đã nhấn mạnh 5 hành động quan trọng mà thế giới cần ưu tiên ngay để chuyển đổi hệ thống năng lượng và đẩy nhanh quá trình chuyển dịch sang năng lượng tái tạo, bao gồm:
- Biến công nghệ năng lượng tái tạo thành hàng hóa công toàn cầu. Để làm được điều này, cần loại bỏ các rào cản đối với việc chia sẻ kiến thức và chuyển giao công nghệ, bao gồm cả các rào cản về quyền sở hữu trí tuệ
- Cải thiện khả năng tiếp cận toàn cầu với các thành phần và nguyên liệu thô (cần tăng cường hợp tác quốc tế, đầu tư nhiều hơn để đảm bảo quá trình chuyển đổi công bằng)
- Tạo sân chơi bình đẳng cho công nghệ năng lượng tái tạo – các quốc gia cần cải cách các khuôn khổ chính sách để hợp lý hóa và đẩy nhanh tiến độ các dự án năng lượng tái tạo cũng như xúc tiến đầu tư khu vực tư nhân
- Chuyển trợ cấp năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo
- Đầu tư gấp 3 vào năng lượng tái tạo – đến năm 2030, cần đầu tư ít nhất 4 nghìn tỷ USD mỗi năm vào năng lượng tái tạo
Theo Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres, năng lượng tái tạo là con đường duy nhất dẫn đến an ninh năng lượng thực sự, giá điện ổn định và cơ hội việc làm bền vững. “Không có năng lượng tái tạo thì không thể có tương lai” – ông António Guterres nhấn mạnh.
Vũ Phong Energy Group