Với gần 510 GW được bổ sung, tốc độ tăng trưởng của năng lượng tái tạo toàn cầu vào năm 2023 đã đạt nhanh nhất trong 2 thập kỷ qua. 3/4 công suất được bổ sung này là của điện mặt trời – số liệu từ báo cáo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA).
Kỷ lục mới trong 22 năm liên tiếp
Theo báo cáo Năng lượng tái tạo 2023: Phân tích và dự báo đến năm 2028 do IEA mới công bố tháng 01/2024, năm 2023 là năm thứ 22 liên tiếp đánh dấu việc bổ sung công suất năng lượng tái tạo lập kỷ lục mới, với mức bổ sung hàng năm tăng gần 50%, đạt gần 510 GW. Trong khi mức tăng công suất năng lượng tái tạo ở châu Âu, Hoa Kỳ và Brazil đạt mức cao nhất mọi thời đại thì IEA đánh giá tốc độ tăng tốc của Trung Quốc là phi thường. Năm 2023, Trung Quốc đã vận hành lượng điện mặt trời tương đương với mức cả thế giới đã thực hiện vào năm 2022, việc bổ sung điện gió của quốc gia này cũng tăng 66% so với cùng kỳ năm trước.
Trong tổng công suất năng lượng tái tạo bổ sung trên toàn cầu năm 2023, riêng điện mặt trời đã chiếm 3/4. Cùng với điện gió trên bờ, điện mặt trời có chi phí phát điện ngày càng cạnh tranh. Theo số liệu của IEA, ước tính 96% công suất nhà máy điện mặt trời và điện gió trên bờ mới được lắp đặt có chi phí phát điện thấp hơn so với các nhà máy điện than và khí tự nhiên mới.
Năng lượng tái tạo sẽ đạt các cột mốc quan trọng trong cơ cấu nguồn năng lượng
IEA dự báo, năng lượng tái tạo trong giai đoạn đến năm 2028 sẽ liên tiếp đạt được các cột mốc quan trọng, như:
- Điện gió và điện mặt trời sẽ tạo ra sản lượng điện cao hơn thủy điện vào năm 2024
- Năng lượng tái tạo sẽ vượt điện than để trở thành nguồn điện lớn nhất toàn cầu vào năm 2025
- Sản lượng điện gió và điện mặt trời sẽ vượt qua sản lượng điện hạt nhân vào năm 2025 và 2026
- Đến năm 2028, các nguồn năng lượng tái tạo sẽ chiếm hơn 42% sản lượng điện toàn cầu
Trong khi đó, tại báo cáo Điện lực 2024: Phân tích và dự báo đến năm 2026 mới được IEA công bố cuối tháng 01/2024, IEA dự báo nhu cầu điện toàn cầu sẽ tăng với tốc độ nhanh hơn trong 3 năm tới, mức tăng trung bình hàng năm khoảng 3,4% cho đến năm 2026. Năng lượng tái tạo và các nguồn phát thải thấp như năng lượng hạt nhân sẽ đáp ứng nhu cầu tăng trưởng này và làm giảm vai trò của nhiên liệu hóa thạch trong sản xuất điện toàn cầu. Sản lượng điện từ các nguồn phát thải thấp sẽ chiếm gần một nửa sản lượng điện thế giới vào năm 2026, tăng từ mức 39% vào năm 2023. Tỷ lệ năng lượng tái tạo trong sản xuất điện được dự báo sẽ tăng từ mức 30% vào năm 2023 lên 37% vào năm 2026, mức tăng trưởng chủ yếu đến từ điện mặt trời.
Điện mặt trời được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian tới (Ảnh minh họa)
4 thách thức chính trong mục tiêu tăng 3 lần công suất năng lượng tái tạo vào năm 2030
Thông tin từ báo cáo Năng lượng tái tạo 2023: Phân tích và dự báo đến năm 2028, trước thềm Hội nghị COP28, IEA đã kêu gọi các Chính phủ hỗ trợ 5 trụ cột hành động đến năm 2030, trong đó có mục tiêu tăng gấp 3 công suất năng lượng tái tạo toàn cầu. Mục tiêu này đã được 198 Chính phủ đồng ý thông qua tại COP28. Với mục tiêu này, công suất năng lượng tái tạo toàn cầu vào năm 2030 sẽ đạt 11.000 GW, phù hợp với Kịch bản Phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của IEA.
Tuy nhiên, IEA dự báo, theo các chính sách và điều kiện thị trường hiện tại, công suất năng lượng tái tạo toàn cầu sẽ đạt 7.300 GW vào năm 2028. Với quỹ đạo tăng trưởng này, công suất năng lượng tái tạo sẽ tăng mức 2,5 lần vào năm 2030, không thể đạt mục tiêu tăng 3 lần như đã đặt ra.
IEA cho rằng, có 4 loại thách thức chính trong mục tiêu tăng 3 lần công suất năng lượng tái tạo vào năm 2030 và các Chính phủ có thể thu hẹp khoảng cách đến mục tiêu này bằng cách vượt qua chúng, gồm:
- Thách thức liên quan đến chính sách: sự thiếu chắc chắn về chính sách và phản ứng chính sách chậm trễ đối với môi trường kinh tế vĩ mô mới
- Thách thức liên quan đến cơ sở hạ tầng lưới điện: đầu tư không đủ vào cơ sở hạ tầng lưới điện cản trở việc mở rộng nhanh hơn của năng lượng tái tạo
- Các rào cản hành chính và thủ tục cấp phép cũng như các vấn đề về sự chấp thuận của xã hội
- Thách thức về tài chính ở các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển.
Việc giải quyết những thách thức này, theo IEA, có thể dẫn đến mức tăng trưởng năng lượng tái tạo cao hơn gần 21%, thúc đẩy thế giới đáp ứng cam kết tăng gấp 3 lần công suất năng lượng tái tạo ở quy mô toàn cầu.
Quý vị có thể xem toàn văn các báo cáo này của IEA tại link dưới đây:
- Năng lượng tái tạo 2023: Phân tích và dự báo đến năm 2028
- Điện lực 2024: Phân tích và dự báo đến năm 2026
Vũ Phong Energy Group