Năm 2020, dịch COVID-19 bao trùm toàn cầu và tác động đến hầu hết các nền kinh tế trên thế giới. Cùng với đó, những thảm họa thiên nhiên như lũ lụt, cháy rừng, động đất, núi lửa… xảy ra trên nhiều vùng lãnh thổ. Chính vì thế, phục hồi xanh đang được nhiều quốc gia quan tâm để vừa tăng trưởng kinh tế vừa đáp ứng các mục tiêu lâu dài về xã hội, môi trường. Thời điểm này cũng rất thuận lợi để các doanh nghiệp đẩy mạnh chuyển đổi theo hướng tăng trưởng xanh, tăng trưởng bền vững.
- Sử dụng năng lượng sạch, “xanh hóa” trong ngành dệt may
- Điện mặt trời: Giải pháp cho áp lực cung – cầu năng lượng
- Suất đầu tư 1MWp điện mặt trời áp mái mang lại lợi ích gì cho doanh nghiệp?
- Lãnh đạo doanh nghiệp kỳ vọng gì về năm Covid thứ 2?
Các gói kích thích kinh tế thúc đẩy phục hồi xanh
Nhằm thúc đẩy việc làm và tăng trưởng sau những khó khăn gây ra bởi dịch bệnh COVID-19, nhiều quốc gia trên thế giới đã tung ra các gói kích thích kinh tế. Trong đó, có nhiều khoản tiền lớn được dành cho các lĩnh vực ảnh hưởng đến việc phát thải carbon và đa dạng sinh học. Nhiều chính phủ đã công bố chính sách và gói kích thích kinh tế mới thân thiện với môi trường, khí hậu. Có thể kể đến một số ví dụ như:
- Gói kích thích 40 tỷ euro của Đức dành cho các khoản chi liên quan đến khí hậu (chiếm gần 1/3 tổng giá trị gói kích thích kinh tế của nước này).
- Canada cam kết dành 2,9 tỷ USD để trồng 2 tỷ cây xanh và tận dụng tiềm năng lưu giữ carbon của các vùng đầm lầy.
- Kế hoạch 10 điểm về khí hậu với khoản đầu tư trị giá 12 tỷ bảng Anh nhằm thúc đẩy cuộc cách mạng công nghiệp “xanh” tại Anh, dành cho các lĩnh vực năng lượng sạch, giao thông, các công nghệ đổi mới và thiên nhiên.
- Chính sách kinh tế xanh mới của Hàn Quốc với cam kết dành khoảng 61 tỷ USD trong 5 năm (2020–2025) để nâng công suất năng lượng tái tạo lên đến 42,7 GW, mở rộng lên 1,33 triệu phương tiện chạy bằng điện và hydro. Ngoài ra, kế hoạch cũng hứa hẹn cải tạo trường học và nhà ở công cộng cho thuê thành nhà tự cung cấp năng lượng, xây dựng các thành phố xanh thông minh từ các khu đô thị.
Nhiều gói hỗ trợ, kích thích kinh tế được các chính phủ tung ra để đảm bảo phục hồi xanh và bền vững (Ảnh minh họa internet)
Liên minh châu Âu dành ra khoảng 30% của gói 750 tỷ euro (tương đương 891 tỷ USD) cho các dự án đầu tư thân thiện với khí hậu trong thập kỷ tới. Ngoài ra, nhiều quốc gia cũng đang đầu tư cho giảm lượng carbon phát thải từ sản xuất điện (như Colombia, Pháp, Italia, Hàn Quốc, Nigeria…), tiết kiệm năng lượng (Pháp, Anh), giao thông vận tải bền vững (Australia, Áo, Pháp, Đức, Hàn Quốc, Thụy Điển), giải pháp thiên nhiên (Ethiopia, Ấn Độ, New Zealand), kinh tế số và kinh tế tuần hoàn (Myanmar, Trung Quốc). Các chương trình đầu tư công “xanh” quy mô lớn được đánh giá sẽ là giải pháp hiệu quả giúp tiết kiệm chi phí nhằm phục hồi các nền kinh tế chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 đồng thời đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng.
Tại Việt Nam, từ năm 2012, Chính phủ đã phê duyệt “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050” với các nhiệm vụ chiến lược là Giảm cường độ phát thải khí nhà kính và thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; Xanh hóa sản xuất; Xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững. Từ đó đến nay, nhiều hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, chương trình hành động… đã được ban hành và triển khai. Năm 2020, với việc kiểm soát tốt dịch bệnh, hoàn thành “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế – xã hội, Việt Nam là một trong số ít nền kinh tế ở châu Á tăng trưởng dương và thuộc nhóm nước có mức tăng trưởng cao nhất thế giới (tăng trưởng GDP đạt mức 2,91%). Phục hồi theo hướng tăng trưởng xanh bền vững được kỳ vọng sẽ mang lại hiệu quả cao về kinh tế, xã hội, môi trường trong thời gian tới, thậm chí có thể đưa Việt Nam trở thành quốc gia trong nhóm tiên phong trong khu vực về phục hồi xanh và tăng trưởng xanh.
Cơ hội để các doanh nghiệp tăng trưởng xanh
Sử dụng năng lượng tái tạo – một trong các nỗ lực “xanh hóa” sản xuất của doanh nghiệp
Thời gian qua, tăng trưởng xanh ngày càng được nhiều doanh nghiệp quan tâm, xem như một chiến lược phát triển, tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Nhiều doanh nghiệp chuyển sang sử dụng nguyên liệu thân thiện môi trường, đầu tư dây chuyền sản xuất giảm thiểu chất thải và khí thải, tổ chức và ủng hộ các hoạt động trách nhiệm xã hội xanh… Nhiều doanh nghiệp đầu tư thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn, thực hiện thu gom, tái chế, tái sử dụng chất thải và phế phẩm thay vì chôn lấp. Năng lượng tái tạo được nhiều doanh nghiệp lựa chọn bằng cách lắp đặt các hệ thống điện mặt trời trên mái văn phòng, nhà xưởng để phục vụ hoạt động kinh doanh, sản xuất, lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng năng lượng mặt trời trong khuôn viên… Không chỉ giúp tối ưu hóa khả năng sản xuất và chủ động tham gia bảo vệ môi trường, những hoạt động này còn giúp doanh nghiệp đạt được các tiêu chuẩn “xanh” và vượt qua các rào cản phi thuế quan khi xuất khẩu sang các thị trường lớn “khó tính”.
Trong bối cảnh nhiều quốc gia quan tâm đến phục hồi xanh, tăng trưởng bền vững hậu COVID-19, hầu hết các doanh nghiệp toàn cầu đều có những yêu cầu nhất định về tiêu chuẩn môi trường, đây trở thành động lực để các doanh nghiệp nỗ lực “xanh hóa” sản xuất nhằm thu hút nguồn vốn và các khách hàng, đối tác nước ngoài, gia nhập chuỗi giá trị toàn cầu. Đặc biệt, với lợi thế từ sự thành công trong việc kiểm soát dịch COVID-19 của Việt Nam năm 2020, thời điểm này là cơ hội để doanh nghiệp Việt vươn mình phát triển trở thành các mắt xích trong chuỗi giá trị toàn cầu mới, sau khi chuỗi cung ứng bị đứt gãy do dịch bệnh.
Vu Phong Solar