Gần đây, dư luận quan tâm việc một số “đại gia” năng lượng nước ngoài chi hàng trăm triệu USD để nắm quyền sở hữu và phát triển dự án điện mặt trời tại Việt Nam thông qua hình thức góp vốn, mua cổ phần từ các nhà đầu tư trong nước. Vì sao các nhà đầu tư ngoại lại hứng thú với điện mặt trời ở Việt Nam như vậy?
Điện mặt trời – “miếng bánh” hấp dẫn các nhà đầu tư
Thời gian vừa qua, nhiều tờ báo đã phản ánh việc một số nhà đầu tư nước ngoài sở hữu dự án điện mặt trời thông qua hình thức góp vốn, mua cổ phần từ các nhà đầu tư. Điển hình là thương vụ “nửa tỉ đô” của một tập đoàn Thái Lan với cụm 4 dự án điện mặt trời ở Bình Phước, tổng giá trị lên đến 456,7 triệu USD. Trước đó, một số nhà đầu tư đến từ Thái Lan, Singapore, Trung Quốc, Philippines… cũng sở hữu dự án điện mặt trời, điện gió ở Việt Nam thông qua hình thức liên doanh, chuyển nhượng cổ phần với doanh nghiệp Việt. Ngoài ra, các dự án điện năng lượng mặt trời tại Việt Nam thuộc sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài có thể kể đến như Nhà máy Tata Power công suất 300MW tại Hà Tĩnh, Nhà máy Hanwha công suất 100 – 200MW tại Thừa Thiên – Huế, Nhà máy GT & Associates và Marshall & Street Ltd công suất 150MW tại Quảng Nam…
Điện năng lượng mặt trời tại Việt Nam đang hút các dòng vốn ngoại (Ảnh internet)
Đặc biệt, ở thương vụ “nửa tỉ đô” nói trên, trong tổng giá trị 456,7 triệu USD, khoản chi phí để mua lại cổ phần là 76,05 triệu USD, phần còn lại (hơn 380 triệu USD) là “rót” vào phát triển dự án. Câu chuyện doanh nghiệp ngoại “đi đường vòng” để sở hữu dự án điện mặt trời đã được phân tích từ nhiều góc độ nhưng có thể thấy rằng, việc nhà đầu tư ngoại mạnh tay chi một khoản đầu tư lớn để phát triển các dự án điện mặt trời còn chưa thành hình cho thấy nhà đầu tư ngoại đã nhìn thấy “món hời”, những lợi ích và tiềm năng sinh lời của dự án. Thực tế, vài năm trở lại đây, điện năng lượng mặt trời vẫn được xem là một “miếng bánh” hấp dẫn thu hút các nguồn vốn đầu tư, trong đó không ít là dòng vốn ngoại.
Cơ hội lớn cho các nhà đầu tư trong nước
Điện mặt trời đang được Nhà nước khuyến khích phát triển, thể hiện rõ ràng bằng nhiều văn bản, chính sách cụ thể, như: Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam (trước đó là Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg)… Điều kiện tự nhiên thuận lợi cùng mức giá bán điện mặt trời được đảm bảo ổn định trong vòng 20 năm là lợi thế rất lớn để phát triển điện mặt trời tại Việt Nam. Đây cũng là cơ hội lớn cho các nhà đầu tư trong nước để vừa nhận được lợi ích kinh tế vừa góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia như chủ trương của Nhà nước.
Điện mặt trời vừa mang lại lợi ích kinh tế vừa góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia
Điện mặt trời tại Việt Nam vẫn còn rất nhiều tiềm năng, dư địa thị trường rộng khi nước ta đang phải nhập khẩu hàng tỉ kWh điện từ hai quốc gia láng giềng là Lào, Trung Quốc; dự kiến sẽ thiếu khoảng 41,7 tỉ kWh điện trong giai đoạn 2021-2025. Gần đây, nhiều “gương mặt mới” đã nhảy vào “cuộc đua” chiếm thị phần và hưởng ưu đãi chính sách nhưng cơ hội vẫn còn rộng mở. Nếu có thêm nhiều doanh nghiệp Việt có tiềm lực tài chính mạnh tham gia đầu tư, phát triển dự án thì sẽ thúc đẩy thị trường năng lượng tái tạo, hạn chế nguy cơ nhà đầu tư có năng lực thấp giành dự án quy mô lớn rồi “sang tay” cho doanh nghiệp ngoại để kiếm lời như nhiều người e ngại.
Thị trường điện mặt trời và năng lượng tái tạo Việt Nam vẫn đang đà phát triển theo xu hướng chung của thế giới. Nếu các nhà đầu tư Việt nắm bắt được cơ hội và phát triển dự án một cách thành công, sẽ không chỉ có lợi cho nhà đầu tư mà còn giúp ích cho ngành năng lượng nước nhà.
Vu Phong Solar
Các thông tin trên là những thông tin cơ bản, để có bảng giá chi tiết và thông số thiết bị xin vui lòng email hello@vuphong.com, hoặc nhấp vào nhận báo giá điện mặt trời hoặc gọi số miễn cước 18007171 để kỹ sư tư vấn của Vũ Phong Solar hỗ trợ.
Vũ Phong Solar là đơn vị có kinh nghiệm trên 12 năm tổng thầu thi công điện mặt trời áp mái cho dân dụng, công nghiệp, nhà máy và trang trại năng lượng mặt trời, với đội ngũ hơn 350 nhân sự tính đến hết 2019, đã thi công hơn 500MWp và đang vận hành hơn 325MWp nhà máy điện mặt trời, đạt tiêu chuẩn ISO 9001:2015, ISO 14001:2015 và ISO 45001:2018 chứng nhận quốc tế bởi SGS Global, cam kết mang đến khách hàng các dự án điện mặt trời chất lượng cao, hiệu suất cao và tuổi thọ trên 30 năm.