Phát triển bền vững được nhận định là xu thế tất yếu trong tiến trình phát triển của toàn cầu. Vậy sự khác nhau giữa phát triển và phát triển bền vững là gì?
Nội Dung
Khái niệm phát triển là gì? Sự phát triển bền vững là gì?
Để thấy được sự khác nhau giữa phát triển và phát triển bền vững, cần bắt đầu từ khái niệm của hai thuật ngữ này.
Phát triển là gì?
So với thuật ngữ phát triển bền vững, thuật ngữ phát triển xuất hiện trước, ban đầu để chỉ việc sản xuất ra của cải vật chất đáp ứng nhu cầu thiết yếu của con người. Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, khái niệm phát triển được mở rộng hơn, chỉ sự tăng trưởng kinh tế của các ngành trong toàn bộ nền kinh tế, có sự chú ý về cơ cấu kinh tế và bắt đầu chú trọng vào các ngành kinh tế mũi nhọn.
Đến đầu những năm 90 của thế kỷ trước, quan niệm về phát triển một lần nữa thay đổi theo hướng bao hàm thêm các nhân tố xã hội, nhân tố con người, bên cạnh ý nghĩa tăng trưởng kinh tế. Song song quá trình phát triển của xã hội, khái niệm phát triển đã dần được hoàn thiện, bao hàm các yếu tố tăng trưởng về kinh tế, tiến bộ về cơ cấu kinh tế và sự tiến bộ về xã hội. Có thể coi phát triển là sự thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhằm mang lại cho con người môi trường sống tốt hơn, đi kèm các phúc lợi xã hội.
Sự phát triển bền vững là gì?
Thuật ngữ phát triển bền vững xuất hiện muộn hơn, lần đầu tiên được sử dụng vào năm 1980 trong ấn phẩm Chiến lược bảo tồn Thế giới. Tuy nhiên, khi ấy, phát triển bền vững được đề cập trong nội dung hẹp ở góc độ bền vững về sinh thái, nhằm kêu gọi việc bảo tồn các tài nguyên sinh vật.
Đến năm 1987, khái niệm phát triển bền vững được công bố chính thức tại Báo cáo Brundtland của Ủy ban Môi trường và Phát triển Thế giới (WCED) thuộc Liên Hợp Quốc.“Phát triển bền vững được định nghĩa là sự phát triển có thể đáp ứng được những nhu cầu hiện tại mà không ảnh hưởng, tổn hại đến những khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai “.
Phát triển bền vững trên ba bình diện: kinh tế, xã hội và môi trường
Đến Hội nghị Thượng đỉnh Trái đất Rio de Janero năm 1992 và Hội nghị Thượng đỉnh Johannesburg năm 2002, nội hàm về phát triển bền vững tiếp tục được khẳng định, khái quát hóa trên ba bình diện, bao gồm phát triển kinh tế, phát triển xã hội và bảo vệ môi trường.
Sau đó, năm 2015, Liên Hợp Quốc đã thông qua 17 Mục tiêu Phát triển Bền vững (Sustainable Development Goals – SDG) được xác định bởi 169 mục tiêu cụ thể và 232 chỉ tiêu, nhằm hướng tới xóa đói giảm nghèo, bảo vệ hành tinh và đảm bảo mọi người dân được hưởng hòa bình và thịnh vượng vào năm 2030.
Sự khác nhau giữa phát triển và phát triển bền vững là gì?
Như vậy, có thể thấy, so với phát triển, phát triển bền vững có những yêu cầu cao hơn. Sự khác nhau giữa phát triển và phát triển bền vững được thể hiện ở nhiều phương diện. Chẳng hạn, trong khi trụ cột của phát triển là kinh tế (và xã hội) thì phát triển bền vững là sự kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa phát triển kinh tế – xã hội – môi trường.
Trung tâm của khái niệm phát triển là của cải vật chất/hàng hóa, còn phát triển bền vững lấy con người làm trọng tâm. Điều kiện cơ bản của phát triển là tài nguyên thiên nhiên; còn với phát triển bền vững, điều kiện cơ bản là tài nguyên con người. Trong mối quan hệ với tự nhiên, phát triển hướng tới khai thác, cải tạo còn phát triển bền vững hướng tới bảo tồn, sử dụng hợp lý.
Phát triển bền vững là mục tiêu hướng tới của mọi quốc gia trên thế giới. Đây đồng thời là nhu cầu cấp thiết của thời đại, khi các nguồn tài nguyên hữu hạn đang dần cạn kiện, khí hậu biến đổi đi kèm các điều kiện thời tiết ngày càng khắc nghiệt, đòi hỏi nhân loại phải thực hiện các giải pháp vừa phát triển vừa duy trì sự hài hòa với môi trường sống. Dựa trên tình hình phát triển và đặc trưng riêng về kinh tế, xã hội, chính trị, địa lý, văn hóa… mỗi quốc gia, mỗi tổ chức sẽ hoạch định chiến lược phát triển bền vững phù hợp nhất.
17 Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc
Tại Việt Nam, phát triển bền vững đã trở thành quan điểm xuyên suốt trong chính sách của Đảng, Nhà nước và đã được lồng ghép lồng ghép trong Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 2011 – 2020, các Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 2011 – 2015 và 2016 – 2020.
Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành nhiều quyết định về phát triển bền vững như Chiến lược Phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011- 2020, Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững (năm 2017), Lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam đến năm 2030 (năm 2019), Nghị quyết về phát triển bền vững (năm 2020)…
Nhận thức rõ sự khác nhau giữa phát triển và phát triển bền vững cũng như những lợi ích mà phát triển bền vững mang lại, nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam đang tích cực triển khai các giải pháp nhằm phát triển theo hướng bền vững. Nhiều doanh nghiệp, trong đó có Vũ Phong Energy Group, đã và đang hoạt động theo phương hướng các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc.
Tại Vũ Phong Energy Group, trong chuỗi các mục tiêu phát triển bền vững mà Vũ Phong theo đuổi, các mục tiêu được đặc biệt chú trọng bao gồm: Mục tiêu 7 – Năng lượng sạch với giá thành hợp lý, Mục tiêu 8 – Công việc tốt và tăng trưởng kinh tế, Mục tiêu 6 – Nước và vệ sinh cho tất cả mọi người, Mục tiêu 13 – Hành động vì môi trường và Mục tiêu 17- Quan hệ đối tác vì các mục tiêu.