Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã điều chỉnh dự báo về sự gia tăng của các nguồn năng lượng tái tạo, với mức tăng gần 2.400 GW trong giai đoạn 2022-2027. Đáng chú ý, đây là mức điều chỉnh tăng lớn nhất từ trước đến nay của IEA và cao hơn gần 30% so với dự đoán được đưa ra vào cuối năm 2021.
Năng lượng tái tạo sẵn sàng trở thành nguồn phát điện lớn nhất vào đầu năm 2025
Tại Báo cáo Renewables 2022: Analysis and forecast to 2027 (Năng lượng tái tạo 2022 – Phân tích và Dự báo đến năm 2027), IEA cho rằng việc mở rộng công suất năng lượng tái tạo trong 5 năm tới sẽ nhanh hơn nhiều so với những gì đã được dự đoán một năm trước đó. Năng lượng tái tạo sẽ chiếm tới hơn 90% công suất điện bổ sung trên toàn cầu và con số gần 2.400 GW bổ sung trong giai đoạn 2022-2027 tương đương với toàn bộ công suất điện lắp đặt của Trung Quốc hiện nay.
Với tốc độ tăng trưởng đó, năng lượng tái tạo sẵn sàng trở thành nguồn phát điện lớn nhất toàn cầu vào đầu năm 2025. Tỷ trọng của năng lượng tái tạo trong tổng nguồn cung năng lượng dự kiến đạt 38% vào năm 2027 và chúng được dự đoán sẽ là nguồn phát điện duy nhất có tỷ trọng tăng trong khi các nguồn phát điện khác như than, khí đốt tự nhiên, hạt nhân… sẽ giảm tỷ trọng.
Năng lượng tái tạo sẽ trở thành nguồn phát điện lớn nhất toàn cầu (Ảnh IEA)
Trong các nguồn năng lượng tái tạo, hai nguồn lớn nhất là điện mặt trời và điện gió sẽ chiếm đến 80% mức tăng và được dự báo sẽ tăng gấp đôi trong 5 năm tới, cung cấp gần 20% sản lượng điện toàn cầu vào năm 2027. IEA dự báo, điện mặt trời sẽ trở thành nguồn điện có công suất lớn nhất trên thế giới vào năm 2027 với sự gia tăng của cả các nhà máy điện mặt trời tập trung ở phần lớn các quốc gia trên toàn thế giới (do là lựa chọn ít tốn kém nhất để phát triển nguồn điện mới) cũng như các hệ thống điện mặt trời phân tán (như trên các tòa nhà, nhà máy) do giá điện bán lẻ cao hơn và sự hỗ trợ chính sách để giảm bớt chi phí điện cho người dùng. Điện gió cũng tăng trưởng mạnh với công suất tăng gần gấp đôi, các dự án gió ngoài khơi chiếm 1/5 mức tăng trưởng và hơn 570 GW công suất gió trên bờ sẽ được bổ sung, đi vào hoạt động trong giai đoạn này. Việc sản xuất hydro xanh từ điện gió và điện mặt trời cũng được dự báo sẽ trở thành một lĩnh vực tăng trưởng mới, mang đến cơ hội khử carbon cho ngành công nghiệp và giao thông vận tải. Theo báo cáo, năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất hydro sẽ tăng gấp 100 lần trong 5 năm tới và Trung Quốc, Úc, Chile, Hoa Kỳ sẽ là 4 thị trường dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng.
Điều đáng chú ý, mặc dù năng lượng tái tạo vẫn được dự đoán theo lộ trình tăng trưởng nhanh nhưng mức điều chỉnh của IEA tại báo cáo này là mức điều chỉnh tăng lớn nhất từ trước đến nay và cao hơn gần 30% so với dự đoán được đưa ra vào cuối năm 2021.
Động lực chưa từng có từ khủng hoảng năng lượng
Cuộc khủng hoảng năng lượng, khởi đầu từ xung đột chính trị Nga-Ukraine, đặt ra nhiều thách thức cho nền kinh tế toàn cầu cũng như cho ngành năng lượng tái tạo. Nhưng song song với đó, nó cũng mang lại cả các cơ hội mới và trở thành động lực chưa từng có cho sự phát triển của các nguồn điện tái tạo. Sự gián đoạn nguồn cung nhiên liệu hóa thạch đã nhấn mạnh về lợi ích của việc tự chủ năng lượng tái tạo từ trong nước để đảm bảo an ninh năng lượng, khiến nhiều quốc gia tăng cường các chính sách hỗ trợ năng lượng tái tạo. Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU), Hoa Kỳ, Ấn Độ bên cạnh thực hiện các chính sách hiện hành còn đồng loạt đưa ra các cải cách thị trường và quy định nhanh hơn so với kế hoạch trước đó để chống lại cuộc khủng hoảng năng lượng. Có thể kể đến như Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 của Trung Quốc, kế hoạch REPowerEU của EU, Đạo luật giảm lạm phát của Hoa Kỳ… Trong khi đó, giá nhiên liệu hóa thạch cao hơn trên toàn thế giới góp phần cải thiện khả năng cạnh tranh của điện mặt trời và điện gió so với các loại nhiên liệu khác.
“Năng lượng tái tạo đã mở rộng nhanh chóng, nhưng cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu đã đẩy chúng vào một giai đoạn mới phi thường với tốc độ tăng trưởng thậm chí còn nhanh hơn khi các quốc gia tìm cách tận dụng lợi ích an ninh năng lượng của mình” – Giám đốc điều hành IEA Fatih Birol cho biết.
Khủng hoảng năng lượng trở thành động lực phát triển chưa từng có cho năng lượng tái tạo (Ảnh minh họa internet)
Báo cáo mới đây từ tổ chức tư vấn năng lượng Ember – Báo cáo Đánh giá điện năng châu Âu, công bố ngày 31/01/2023, cũng cho thấy, sản lượng năng lượng gió và điện mặt trời được tạo ra đã đạt kỷ lục trong năm 2022, chiếm hơn 1/5 tổng sản lượng điện của EU và lần đầu tiên vượt qua điện khí (22% so với 20%). Sự tăng trưởng kỷ lục của điện mặt trời và điện gió đã giúp các quốc gia trong EU bù đắp mức thiếu hụt từ thủy điện và điện hạt nhân. Trong đó, sản xuất điện mặt trời có mức tăng nhanh nhất, với mức tăng kỷ lục 39 TWh (tương đương mức tăng trưởng 24%, gần gấp đôi kỷ lục trước đó), giúp EU tiết kiệm tới 10 tỷ Euro chi phí khí đốt. Các quốc gia châu Âu cũng đã xây dựng thêm 15 GW điện gió mới trong năm 2022. Có thể nói, trong khi đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng, quá trình chuyển đổi năng lượng sạch của châu Âu cũng nổi lên mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Không chỉ cam kết loại bỏ dần than đá, EU cũng đang cố gắng loại bỏ khí đốt và hướng tới một nền kinh tế sạch, điện khí hóa.
Tuy nhiên, IEA cũng nhấn mạnh rằng, mặc dù các nền kinh tế đưa ra các mục tiêu tham vọng và chính sách khuyến khích cho năng lượng tái tạo nhưng vẫn còn đó những thách thức trong việc thực hiện, như: liên quan đến việc cấp phép, mở rộng cơ sở hạ tầng lưới điện ở các nền kinh tế tiên tiến; sự không chắc chắn về chính sách, quy định và thách thức trong việc triển khai ở các nền kinh tế mới nổi; cơ sở hạ tầng yếu và khả năng tiếp cận nguồn tài chính hạn chế ở các nước đang phát triển. Nếu các thách thức này được giải quyết trong 12-24 tháng tới, việc mở rộng năng lượng tái tạo sẽ cao hơn gần 25% so với dự đoán trên, nâng lên gần 2.950 GW công suất năng lượng tái tạo bổ sung trên toàn cầu.
Trong khủng hoảng năng lượng, vấn đề tự chủ năng lượng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Và trong khi các quốc gia đồng loạt đưa ra các chính sách để vượt qua khủng hoảng năng lượng, vấn đề tự chủ năng lượng, tiết kiệm tối đa chi phí năng lượng cũng được nhiều doanh nghiệp chú trọng hơn, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu được dự báo phải đối mặt với suy thoái trong năm 2023 do làn sóng nâng lãi suất để đối phó lạm phát. Cũng chính vì thế, chủ động sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo đang được ngày càng nhiều doanh nghiệp hướng đến do nó không đơn thuần là một giải pháp để xanh hóa sản xuất nhằm đáp ứng xu thế của thị trường mà còn giúp tự chủ – tiết giảm tối đa chi phí năng lượng, tối ưu chi phí hoạt động trong thời gian dài. Doanh nghiệp quan tâm đến các giải pháp năng lượng sạch và mô hình điện mặt trời không cần vốn đầu tư – phương án hợp tác mua bán điện PPA (Power Purchase Agreement) vui lòng liên hệ Tổng đài 1800 7171 hoặc +84 9 1800 7171 hoặc qua email hello@vuphong.com để Vũ Phong Energy Group hỗ trợ nhanh nhất! |
Vũ Phong Energy Group