Trái phiếu xanh – một động lực của ngành năng lượng sạch và sự phát triển bền vững

trai-phieu-xanh-4

Trước khi được phát hành chính thức tại Việt Nam (dự kiến trong năm nay), trái phiếu xanh đã có hơn 12 năm phát triển ở các thị trường quốc tế. Nó được xem là một động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển bền vững, trong đó có ngành năng lượng sạch.

Trái phiếu xanh là gì?

Không có định nghĩa phổ quát về trái phiếu xanh, tuy nhiên giữa các định nghĩa được đưa ra bởi các tổ chức quốc tế có sự đồng thuận về ý nghĩa của loại trái phiếu này:

  • Theo Tổ chức Sáng kiến Trái phiếu Khí hậu (CBI): Trái phiếu xanh là trái phiếu do chính phủ, ngân hàng, địa phương hoặc doanh nghiệp phát hành nhằm huy động vốn cho những giải pháp biến đổi khí hậu.
  • Theo Hiệp hội Thị trường Vốn Quốc tế (ICMA): Trái phiếu xanh cho phép huy động vốn và đầu tư cho các dự án mới và các dự án hiện hành có lợi ích cho môi trường.
  • Theo Ngân hàng Thế giới (WB): Trái phiếu xanh hỗ trợ các nước trong việc tăng trưởng và phát triển phục hồi khí hậu và carbon thấp, bao gồm giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Như vậy, về cơ bản, trái phiếu xanh cũng là một công cụ tài chính lãi suất cố định để huy động vốn từ các nhà đầu tư qua thị trường vốn, giống như các trái phiếu thông thường. Điểm khác biệt là trái phiếu xanh được tổ chức phát hành và/hoặc các cơ quan có thẩm quyền dán nhãn “xanh”. Theo đó, tổ chức phát hành cam kết sử dụng số tiền thu được một cách minh bạch và đặc biệt là tài trợ hoặc tái tài trợ cho các dự án “xanh”, các tài sản hoặc các hoạt động kinh doanh có lợi ích cho môi trường. Ngoài ra, do xuất phát từ mục đích sử dụng vốn nên trái phiếu xanh còn có một số các điều khoản đặc biệt về cơ chế trả nợ, truy đòi/miễn truy đòi tổ chức phát hành.

trai-phieu-xanhTrái phiếu xanh được hiểu cơ bản là trái phiếu dành cho các dự án có lợi ích cho môi trường, các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu (Ảnh internet)

Theo CBI, nguồn vốn thu được từ phát hành trái phiếu sử dụng cho các dự án Xanh nói chung, bao gồm các danh mục: (1) Năng lượng; (2) Tòa nhà; (3) Giao thông; (4) Quản lý nước; (5) Quản lý chất thải và kiểm soát ô nhiễm; (6) Tài sản dựa vào thiên nhiên bao gồm sử dụng đất, nông nghiệp và lâm nghiệp; (7) Công nghiệp và thương mại sử dụng nhiều năng lượng; (8) Công nghệ thông tin & truyền thông (ICT).

Còn theo Bộ Tiêu chuẩn Trái phiếu Xanh ASEAN, các dự án Xanh là tất cả các dự án cung cấp lợi ích cho môi trường bao gồm: (1) Năng lượng tái tạo; (2) Hiệu quả năng lượng; (3) Phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm; (4) Quản lý sự bền vững của môi trường trong sử dụng đất và môi trường sống tự nhiên; (5) Bảo tồn đa dạng sinh học trên cạn và dưới nước; (6) Giao thông sạch; (7) Quản lý nước và nước thải bền vững; (8) Thích ứng với biến đổi khí hậu; (9) Quy trình và công nghệ sản xuất thích nghi với kinh tế hiệu quả; (10) Các tòa nhà xanh có chứng nhận hoặc đáp ứng các tiêu chuẩn được công nhận của quốc tế, trong nước và khu vực.

Một cuộc cách mạng trên thị trường vốn

Nền tảng cho việc hình thành và phát triển thị trường trái phiếu xanh ngày nay là việc Ngân hàng Thế giới (WB) chính thức phát hành Trái phiếu xanh vào tháng 11/2008. Từ đó đến nay, trái phiếu xanh được cho rằng đã tạo nên một cuộc cách mạng theo hướng bền vững trong thị trường vốn: từ một thị trường mà nhà đầu tư ít biết và ít quan tâm tiền đầu tư của họ dùng để làm gì đến thị trường mà mục đích sử dụng vốn trở thành một mối quan tâm hàng đầu.

Sự quan tâm của các nhà đầu tư vào mục đích của dòng tiền phản ánh một thay đổi cơ bản trong thị trường trái phiếu. Các nhà đầu tư hiểu được sức mạnh của mình khi hỗ trợ các giải pháp khí hậu mà họ quan tâm, trong khi không phải từ bỏ lợi nhuận. Với việc đầu tư trái phiếu xanh, các trái chủ đã đóng góp vào thích ứng với khí hậu, an ninh lương thực, sức khỏe cộng đồng, cung cấp năng lượng của quốc gia… đồng thời thúc đẩy đầu tư trực tiếp vào việc “xanh hóa” các ngành kinh tế nâu và hoạt động có tác động xã hội. Tất nhiên, trái phiếu xanh cũng mang lại cho các nhà đầu tư các lợi ích khác, như: đáp ứng các yêu cầu về Môi trường, xã hội và quản trị (ESG) đối với các nhiệm vụ đầu tư bền vững; giảm thiểu rủi ro liên quan đến biến đổi khí hậu trong danh mục đầu tư…

Động lực của ngành năng lượng sạch và sự phát triển bền vững

Sự phát triển của thị trường trái phiếu xanh nói riêng, thị trường trái phiếu dán nhãn nói chung đã thu hút lượng lớn các nhà đầu tư quốc tế. Ngay cả trong thời điểm toàn cầu đối mặt nhiều thách thức do dịch bệnh COVID-19, nhu cầu về trái phiếu xanh vẫn tăng cao. Theo dự tính, tổng giá trị phát hành trái phiếu xanh vào năm 2021 sẽ đạt 375 tỷ USD.

Đây được xem là một phương tiện huy động vốn hữu hiệu từ khu vực tư nhân cho các dự án ngành năng lượng sạch nói riêng, các dự án có lợi cho môi trường và xã hội nói chung, nhằm hỗ trợ các mục tiêu phát triển bền vững và Hiệp định khí hậu Paris 2015.

trai-phieu-xanhNăng lượng tái tạo – một lĩnh vực hút trái phiếu xanh (Ảnh internet)

Thực tế, trái phiếu xanh đã được nhiều Chính phủ, ngân hàng, tổ chức tài chính cũng như các doanh nghiệp trên toàn cầu sử dụng để phát triển ngành năng lượng tái tạo cũng như các dự án thân thiện với môi trường. Mỹ, Trung Quốc, Pháp là các thị trường có số lượng trái phiếu xanh được phát hành nhiều nhất. Tại khu vực ASEAN, trái phiếu xanh cũng đã được nhiều doanh nghiệp ngành năng lượng tận dụng. Chẳng hạn như, B.Grimm năm 2018 đã phát hành 5 tỷ baht Thái (155 triệu USD)  trái phiếu xanh với kỳ hạn 5 năm để thực hiện kế hoạch tăng tỷ trọng sản xuất năng lượng tái tạo trong danh mục đầu tư từ 10% lên 30% vào năm 2021. Nguồn vốn thu được từ trái phiếu được phân bổ để tài trợ và tái cấp vốn cho 7 nhà máy mới và 9 nhà máy điện mặt trời đang vận hành ở Thái Lan.

Tại Việt Nam, theo dự thảo Quy hoạch điện VIII (Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2045), tổng vốn đầu tư phát triển điện lực giai đoạn 2021-2030 khoảng 128,3 tỷ USD, gồm 95,4 tỷ USD cho nguồn điện và khoảng 32,9 tỷ USD cho lưới điện. Trung bình mỗi năm cần đầu tư khoảng 12,8 tỷ USD. Trong đó, vốn do nhà nước đầu tư chỉ chiếm khoảng 20%. Nếu khai thác hiệu quả “đòn bẩy tài chính” trái phiếu xanh, đây sẽ là một động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển của năng lượng sạch ở Việt Nam nói riêng, toàn ngành năng lượng nói chung. Trong khi đó, lãi suất tại các nền kinh tế phát triển đang ở mức thấp chưa từng thấy là một cơ hội tuyệt vời cho các thị trường mới nổi như Việt Nam hút dòng vốn trái phiếu xanh từ quốc tế.

Trái phiếu xanh dự kiến sẽ được chính thức đưa vào thị trường Việt Nam trong năm nay. Mới đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã phối hợp với Tổ chức tài chính quốc tế IFC tổ chức hội nghị hướng dẫn phát hành loại trái phiếu này, cho ra mắt Sổ tay hướng dẫn trái phiếu xanh, trái phiếu xã hội và trái phiếu bền vững. Khi thị trường trái phiếu xanh phát triển sẽ thúc đẩy tăng trưởng xanh trong khi các nhà đầu tư quan tâm đến phát triển bền vững sẽ có một kênh mới cho dòng tiền của mình.

Xem thêm:

Vũ Phong Energy Group

5/5 - (1 bình chọn)

Nhận Ngay Báo Giá

    Tên cá nhân ( * )

    Số điện thoại ( * )

    Đầu tư doanh nghiệp

    Mã số thuế .

    Email ( * )

    Tỉnh thành ( * )

    Loại mái ( * )

    Diện tích (m²).

    Số tiền muốn đầu tư

    Địa chỉ

    Thông tin


    Hóa đơn tiền điện hàng tháng

    3.500.000 VND/ tháng

    Chúng tôi sẽ giúp gia đình bạn tiết kiệm chi phí điện ngay bây giờ và trong nhiều năm tới.