Ngày 24/8/2020, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo đã có văn bản báo cáo về tình hình phát triển điện mặt trời mái nhà gửi Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh. Trong đó, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo đã đưa ra một số kiến nghị liên quan đến cách xác định hệ thống điện mặt trời mái nhà và giá điện mặt trời ở trang trại được lắp đặt trên các ao, hồ nuôi tôm, trang trại nông nghiệp công nghệ cao…
- Năng lượng điện mặt trời kết hợp nông nghiệp: Xu hướng mới tại Việt Nam
- Phát triển điện mặt trời cho doanh nghiệp: 5 lợi ích thiết thực
Điện mặt trời nông nghiệp có được tính là điện mặt trời mái nhà không?
Căn cứ khoản 5, Điều 3 Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định “Hệ thống điện mặt trời mái nhà là hệ thống điện mặt trời có các tấm quang điện được lắp đặt trên mái nhà của công trình xây dựng và có công suất không quá 01 MW, đấu nối trực tiếp hoặc gián tiếp vào lưới điện có cấp điện áp từ 35 kV trở xuống của Bên mua điện”, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho rằng để xác định điện mặt trời mái nhà cần đảm bảo tuân thủ 3 điều kiện:
- Tấm quang điện mặt trời được lắp đặt trên mái nhà của công trình xây dựng;
- Có công suất không quá 01 MW;
- Đấu nối vào lưới điện có cấp điện áp từ 35 kV trở xuống.
“Công trình xây dựng là sản phẩm được tạo thành bởi sức lao động của con người, vật liệu xây dựng, thiết bị lắp đặt vào công trình, được liên kết định vị với đất, có thể bao gồm phần dưới mặt đất, phần trên mặt đất, phần dưới mặt nước và phần trên mặt nước, được xây dựng theo thiết kế. Công trình xây dựng bao gồm công trình dân dụng, công trình công nghiệp, giao thông, nông nghiệp và phát triển nông thôn, công trình hạ tầng kỹ thuật và công trình khác” (khoản 10 Điều 3 Luật Xây dựng năm 2014).
Do đó, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo kiến nghị “Chỉ những hệ thống điện mặt trời lắp đặt trên mái nhà của công trình xây dựng và có công suất không quá 01 MW, đấu nối trực tiếp hoặc gián tiếp vào lưới điện có cấp điện áp từ 35 kV trở xuống mới được coi là hệ thống điện mặt trời mái nhà”, “Các hệ thống điện mặt trời lắp trên khung giá đỡ trên hồ, ao nuôi tôm, trồng cây nông nghiệp công nghệ cao… mà không lắp trên mái nhà của công trình xây dựng thì không được tính là hệ thống điện mặt trời mái nhà”.
Như vậy, từ kiến nghị trên, có thể thấy: tại các dự án mô hình điện mặt trời kết hợp nông nghiệp công nghệ cao, nếu hệ thống điện mặt trời được lắp đặt trên mái nhà của trang trại nuôi trồng với công suất không quá 01 MW, đấu nối (trực tiếp hoặc gián tiếp) vào lưới điện dưới 35 kV thì vẫn được coi là điện mặt trời mái nhà và hưởng giá lắp đặt điện mặt trời – giá FIT 2. Chỉ trường hợp hệ thống điện mặt trời lắp trên khung giá đỡ mà không lắp trên mái của công trình thì mới không được tính là hệ thống điện mặt trời mái nhà.
Một dự án điện mặt trời kết hợp nông nghiệp công nghệ cao tại Thuận Nam, Ninh Thuận do Vũ Phong Solar thi công, được xác định là hệ thống điện mặt trời mái nhà
Báo cáo của Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cũng chỉ rõ: trên cơ sở quy định tại Thông tư số 02/2020/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chủ trang trại có trách nhiệm tổ chức sản xuất kinh doanh phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên địa bàn; tuân thủ các quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm hàng hóa, an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường. Về đất làm trang trại, theo quy định tại Điều 10 Luật Đất đai năm 2013, đất được xây dựng trang trại là loại đất nông nghiệp khác và do địa phương quản lý theo thẩm quyền. Mái nhà của trang trại cần phù hợp với công năng, mục đích sử dụng của trang trại.
- Vũ Phong Solar thi công lắp đặt nhiều dự án trang trại nông nghiệp kết hợp điện mặt trời áp mái
- Điện mặt trời nông nghiệp: Tăng hiệu suất sử dụng đất đến 60%
- Giải pháp tài chính và kỹ thuật cho điện mặt trời áp mái
Về hệ thống điện mặt trời trên mái nhà của nhà nghỉ, nhà để xe, nhà kho, trong khuôn viên dự án điện mặt trời…
Với các trường hợp chủ đầu tư tận dụng mái nhà của văn phòng làm việc, nhà điều hành, nhà bếp, nhà nghỉ, nhà để xe của nhân viên, nhà xưởng, nhà kho chứa vật liệu, trong khuôn viên dự án điện mặt trời, nhà máy thủy điện, nhiệt điện để đầu tư điện mặt trời mái nhà, theo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được thực hiện ký hợp đồng mua bán điện nếu phù hợp với quy định về hệ thống điện mặt trời mái nhà tại Quyết định 13 và Thông tư 18.
Với các trường hợp hệ thống điện mặt trời mái nhà được đầu tư theo cụm có tổng công suất trên 1 MW (mỗi hệ thống dưới 1 MW) tại cùng một địa điểm của một chủ đầu tư và đấu nối tại một hoặc nhiều điểm, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho rằng không trái với quy định về hệ thống điện mặt trời mái nhà tại Quyết định 13 và Thông tư 18 (Thông tư số 18/2020/TT-BCT ngày 17/7/2020 của Bộ Công Thương quy định quy định về phát triển dự án và hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án điện mặt trời). Và hệ thống điện mặt trời mái nhà được miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực.
Những trường hợp công trình điện mặt trời trên mái nhà có công suất hệ thống trên 01 MW hoặc không lắp đặt trên mái nhà của công trình xây dựng hoặc đấu nối vào cấp điện áp trên 35 kV thì không được áp dụng giá bán điện đối với hệ thống điện mặt trời mái nhà theo quy định tại Quyết định 13.
Các kiến nghị liên quan đến lắp đặt hệ thống điện mặt trời trong khu công nghiệp với mục đích tự dùng, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo kiến nghị không cần thực hiện bổ sung quy hoạch (được nghiên cứu xem xét tại văn bản quy phạm pháp luật khác) nhưng EVN vẫn phải chịu trách nhiệm đầu tư DZ, trạm… đầy đủ để đảm bảo cung cấp đủ điện khi không có nắng, khi không có điện mặt trời…
EVN chờ Bộ Công thương “gỡ vướng”Ngày 17/7/2020, Bộ Công thương ban hành Thông tư số 18/2020/TT-BCT Quy định về phát triển dự án và hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án điện mặt trời. Thông tư này sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 31/8/2020. Tuy nhiên, do còn nhiều vướng mắc về điện mặt trời mái nhà, đặc biệt là việc phân biệt giữa hệ thống điện mặt trời mái nhà và điện mặt trời mặt đất nối lưới nên EVN đã có văn bản số 4971/EVN-KD ngày 23/7/2020 và văn bản số 5398/EVN-KD ngày 10/8/2020 gửi Bộ Công thương, nêu khó khăn, vướng mắc và kiến nghị về điện mặt trời mái nhà để được Bộ “gỡ vướng” và sớm có văn bản hướng dẫn chính thức để ngành điện triển khai thực hiện. Thời gian qua, Chính phủ đã đưa ra nhiều chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời nói chung, điện mặt trời áp mái nói riêng. Nhờ đó, điện mặt trời áp mái đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Tính đến ngày 23/8/2020, có 45.299 hệ thống điện mặt trời mái nhà đã đi vào vận hành, tổng công suất 1.029 MW, sản lượng đạt khoảng 500.692 MWh, giảm phát thải khoảng 457.132 tấn khí CO2 (tương đương 77.257 TOE). Phát triển điện mặt trời áp mái không chỉ mang lại lợi nhuận cho nhà đầu tư mà còn giúp giảm áp lực cho ngành điện trong bối cảnh Việt Nam đang đối mặt tình trạng thiếu điện trầm trọng trong tương lai gần, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và bảo vệ hệ sinh thái, chống lại biến đổi khí hậu. Sự hướng dẫn rõ ràng của các cơ quan ban ngành với các văn bản cụ thể sẽ giúp các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư mô hình này. |
Vu Phong Solar
Các thông tin trên là những thông tin cơ bản, để có bảng giá chi tiết và thông số thiết bị xin vui lòng email hello@vuphong.com, hoặc nhấp vào nhận báo giá điện mặt trời hoặc gọi số miễn cước 18007171 để kỹ sư tư vấn của Vũ Phong Solar hỗ trợ.
Vũ Phong Solar là đơn vị có kinh nghiệm trên 12 năm tổng thầu thi công điện mặt trời áp mái cho dân dụng, công nghiệp, nhà máy và trang trại năng lượng mặt trời, với đội ngũ hơn 350 nhân sự tính đến hết 2019, đã thi công hơn 500MWp và đang vận hành hơn 325MWp nhà máy điện mặt trời, đạt tiêu chuẩn ISO 9001:2015, ISO 14001:2015 và ISO 45001:2018 chứng nhận quốc tế bởi SGS Global, cam kết mang đến khách hàng các dự án điện mặt trời chất lượng cao, hiệu suất cao và tuổi thọ trên 30 năm.
Vũ Phong Solar