Thúc đẩy hành động cho mục tiêu khí hậu toàn cầu

COP27

Sau những cam kết mạnh mẽ tại COP26, hơn 400.000 đại biểu là lãnh đạo của các quốc gia đã có mặt tại COP27 để cùng nhau thảo luận và tìm ra các giải pháp thúc đẩy hành động nhằm hiện thực hóa các cam kết, giải quyết vấn chung của thế giới về biến đổi khí hậu.

Hội nghị của hành động

Khai mạc ngày 06/11 tại thành phố Sharm El-Sheikh, tỉnh Nam Sinai, Ai Cập, COP27 có sự tham dự của khoảng 40.000 đại biểu, trong đó có gần 100 nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu các chính phủ trên thế giới. Đây là hội nghị thượng đỉnh về khí hậu có số lượng người tham gia đông đảo nhất từ trước đến nay và được kỳ vọng sẽ giải quyết các vấn đề then chốt của thế giới nhằm chống biến đổi khí hậu.

Tháng 11/2021, tại COP26 tổ chức ở Glasgow (Vương quốc Anh), các quốc gia tham dự đã thống nhất quan điểm rằng thế giới đang đối mặt với thập kỷ quan trọng, đòi hỏi có những hành động thiết thực và thực hiện các cam kết đã đưa ra. Tuy nhiên, theo Chủ tịch COP26 Alok Sharma, dù có đến hơn 90% nền kinh tế toàn cầu đã đưa ra cam kết đạt phát thải ròng bằng “0” và các quốc gia đã có những hành động cụ thể và có những kết quả nhất định nhưng việc thực hiện cam kết huy động 100 tỷ USD mỗi năm vẫn chưa đạt được. Chính vì vậy, với thông điệp xuyên suốt: “Cùng nhau hành động”, COP27 được coi là Hội nghị của hành động sau những cam kết từ COP26.

COP27COP27 – hội nghị thượng đỉnh về khí hậu có số lượng người tham gia đông đảo nhất từ trước đến nay (Ảnh internet)

Tại Hội nghị, tân Thư ký điều hành Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC), ông Simon Stiell, đã nhấn mạnh: “Ở Sharm El-Sheikh, chúng ta có nhiệm vụ đẩy nhanh các nỗ lực quốc tế của mình để biến lời nói thành hành động”. Phát biểu trước các đại biểu tham dự COP27, ông Simon Stiell cho rằng các nhà lãnh đạo – dù là Tổng thống, Thủ tướng hay các Tổng Giám đốc doanh nghiệp – đều sẽ phải chịu trách nhiệm về những lời hứa mà họ đã đưa ra vào năm ngoái tại COP26. Do đó, Thư ký điều hành UNFCCC đã vạch ra 3 hướng hành động chính cho Hội nghị COP27, gồm:

  • Thể hiện một động thái hướng tới việc thực hiện bằng cách biến các cuộc đàm phán thành các hành động cụ thể;
  • Thúc đẩy tiến độ đối với các dòng công việc quan trọng – giảm thiểu, thích ứng, đầu tư tài chính và quan trọng nhất là tổn thất và thiệt hại;
  • Cải thiện việc thực hiện các nguyên tắc minh bạch và trách nhiệm giải trình trong suốt quá trình.

Nỗ lực triển khai các cam kết của Việt Nam

Tại COP26, Việt Nam đã đưa ra các cam kết mạnh mẽ như đưa phát thải ròng về “0” vào năm 2050; giảm 30% khí thải metan vào năm 2030 so với mức năm 2020; không xây mới điện than từ năm 2030 và loại bỏ dần điện than từ năm 2040; tuyên bố về rừng và sử dụng đất; tham gia Liên minh thích ứng toàn cầu…

Ngay sau đó, Việt Nam đã thành lập ngay Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26 và ban hành các kế hoạch hành động như Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030; Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050, đồng thời, đưa ra một lộ trình tổng thể nhằm hiện thực hóa các mục tiêu khí hậu đã cam kết bằng việc tạo hành lang pháp lý, thúc đẩy và hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, các ngành, các địa phương cùng có trách nhiệm giảm phát thải ròng…

Tại COP27, Việt Nam cũng đang nỗ lực xúc tiến hợp tác quốc tế thúc đẩy chuyển đổi phát thải carbon thấp nhằm hiện thực hóa các cam kết đã đưa ra. Cụ thể, đoàn đại biểu Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường Trần Hồng Hà dẫn đầu đã có các buổi làm việc về thúc đẩy hình thành thị trường carbon tại Việt Nam; thực hiện các cam kết về khí hậu cũng như quá trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam… Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, Việt Nam không chỉ hình thành thị trường carbon mà tiến tới sẽ xây dựng thị trường tài chính một cách đồng bộ. Việc trao đổi, mua bán tín chỉ có thể vượt ra khỏi phạm vi ASEAN, tham gia thị trường thế giới đến các châu lục khác. Vì vậy, tại buổi làm việc với Giám đốc điều hành Ngân hàng Trung ương Singapore ngày 07/11, Việt Nam đã đề nghị phía Singapore hỗ trợ để sớm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý chính sách hình thành thị trường tín chỉ carbon, sau đó là thiết chế để quản trị. Đây là buổi làm việc nhằm triển khai các nội dung Bản ghi nhớ Hợp tác theo Điều 6 Thỏa thuận Paris giữa Bộ Tài nguyên & Môi trường (Việt Nam) và Bộ Thương mại và Công nghiệp (Singapore).

COP27Bộ trưởng Trần Hồng Hà và đoàn Việt Nam tại buổi làm việc với Giám đốc điều hành Ngân hàng Trung ương Singapore về việc thúc đẩy hình thành thị trường carbon tại Việt Nam (Ảnh: Cục BĐKH, Bộ Tài nguyên & Môi trường)

Bên cạnh đó, ngày 08/11, bên lề Hội nghị COP27, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng đã ký kết cùng Tổng Giám đốc Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) Bản ghi nhớ nhằm tăng cường hợp tác song phương về triển khai giảm phát thải carbon và chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam. Theo Bản ghi nhớ này, trong vòng 5 năm tới, Bộ Tài nguyên & Môi trường và AFD sẽ cùng phát triển một chương trình nghiên cứu, nhằm đóng góp cho các chính sách công trong những lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ Việt Nam. AFD cũng sẽ hỗ trợ Bộ Tài nguyên & Môi trường về điều phối thực hiện các chương trình giảm phát thải, hướng đến mục tiêu chuyển đổi năng lượng công bằng, hỗ trợ quản lý tổng hợp tài nguyên nước và phát triển một mô hình quản lý tổng hợp lưu vực phù hợp, trong bối cảnh tăng cường khả năng thích ứng, chống chịu và phục hồi với biến đổi khí hậu ở Việt Nam…

Cùng với nỗ lực của Chính phủ, trong xu thế phát triển bền vững, các doanh nghiệp tại Việt Nam cũng đang ngày càng quan tâm đến phát thải thấp, đầu tư công nghệ, cải thiện quy trình để từng bước giảm dấu chân carbon, cân bằng các yếu tố kinh tế – xã hội – môi trường trong hoạt động kinh doanh sản xuất. Ngày càng nhiều doanh nghiệp hướng tới mô hình kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi sản xuất xanh. Điều này không chỉ mang lại lợi ích cho chính doanh nghiệp mà còn góp phần rất lớn cho lộ trình hiện thực hóa các cam kết của Việt Nam về giảm phát thải, chống biến đổi khí hậu.

Xem thêm:

(Tổng hợp)

Xem thêm bài viết tiếng Anh

5/5 - (1 bình chọn)

Nhận Ngay Báo Giá

    Tên cá nhân ( * )

    Số điện thoại ( * )

    Đầu tư doanh nghiệp

    Mã số thuế .

    Email ( * )

    Tỉnh thành ( * )

    Loại mái ( * )

    Diện tích (m²).

    Số tiền muốn đầu tư

    Địa chỉ

    Thông tin


    Hóa đơn tiền điện hàng tháng

    3.500.000 VND/ tháng

    Chúng tôi sẽ giúp gia đình bạn tiết kiệm chi phí điện ngay bây giờ và trong nhiều năm tới.